Thái Lan, mảnh đất của nụ cười và… các hồn ma. Từ các lễ trục quỷ cho tới những ngôi nhà dành cho hồn ma, Thái Lan có một nền văn hóa thấm đẫm niềm tin mê tín, điều bị các nhà phê bình cho là có thể cản bước tiến của đất nước này. Trong một chương trình truyền hình ăn khách tại Thái Lan mang tên “Những con người thách thức hồn ma”, người dẫn chương trình tung hàng loạt câu hỏi về phía một bé gái 2 tuổi, đã có 3 ngày sống bên xác người mẹ bị đột tử.

"Ai đã pha sữa cho con?" – người dẫn chương trình Kapol Thongplab cất lời – “Ai đã chơi với con? Ai mở cửa cho con?”. “Mẹ” – bé gái trả lời, thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối, giống như không ít người lớn đang theo dõi chương trình, rằng bóng ma người mẹ đã nuôi sống bé trong những ngày kinh khủng đó. Ở Thái Lan, các chương trình như “Những con người thách thức hồn ma” dường như không chỉ mang mục đích giải trí.
"Tại mọi quốc gia, người dân đều tin vào kiếp sau" – Kapol, một trong những chuyên gia về
ma quỷ nổi tiếng nhất Thái Lan, nói với hãng tin AFP – “Người phương Tây tin rằng có quỷ Satan. Tại các quốc gia Đông Nam Á, chúng tôi tin là có hồn ma. Dạng niềm tin này khiến người ta ngại ngần khi làm điều xấu. Ví dụ anh A có thể nghĩ rằng: “Nếu tôi giết anh B, anh ta sẽ thành ma và quay lại ám ảnh tôi ””.
Sự mê tín, niềm tin vào
hồn ma của người Thái đã khiến các pháp sư, thầy bói ở đây hưởng lợi lớn. Thế giới
tâm linh tồn tại khắp nơi ở Thái Lan, nơi niềm tin vật linh và dân gian kết hợp sâu sắc với niềm tin Phật giáo. Phần lớn các ngôi nhà đều có “nhà của hồn ma” – một điện thờ đặt ở góc linh thiêng nhất trong nhà, nơi người ta cúng bái để các hồn ma không quấy phá. Ngay cả giới
chính trị của Thái Lan cũng bị kéo vào niềm tin mang màu sắc mê tín này. Các phe khác nhau trên chính trường thường công khai sử dụng ma thuật hắc ám nhằm vào đối thủ. Trong khi đó người biểu tình ở Thái Lan cũng thường khoe ra các lá bùa, được cho là sẽ khiến các các viên đạn “né” họ ra.
II. Niềm tin đặt nhầm chỗ
Nhưng một
số người Thái Lan nói rằng họ đã mệt mỏi với các niềm tin mê tín, đã dẫn đồng bào mình tới chỗ đưa ra quyết định tồi, hoặc khiến họ bị lợi dụng. Hãng tin AFP đã gặp một người đàn ông, đề nghị được giữ kín danh tính, đang dẫn đầu một chiến dịch vận động qua mạng Internet, chống lại niềm tin vào
ma quỷ ở Thái Lan. Người này có biệt danh “F**kGhosts”, đã điều hành một trang Facebook dùng chung cái tên trên. Gần đây anh đã khiến dư luận phẫn nộ khi đạp chân lên một dãy các bức tượng ngựa vằn, đặt tại một giao lộ tai tiếng ở Bangkok, vì thường xảy ra tai nạn chết người.
Người Thái đặt tượng ngựa vằn ở điểm tai nạn vì tin rằng các vằn đen trắng trên thân ngựa, thứ khiến người ta nhớ tới vạch kẻ đường đi bộ, sẽ ngăn không cho hồn ma của những vụ tai nạn trước kéo thêm người mới đi cùng họ.
Hai cô gái Thái thực hiện nghi thức cúng bái tại đền thờ hồn ma Nak nổi tiếng ở Bangkok. Người đàn ông trên
phẫn nộ vì dân Thái Lan thích đặt niềm tin của họ vào bùa và tượng, thay vì có các thay đổi thực tế để giảm rủi ro, như lái xe an toàn hơn. “Những dạng niềm tin như thế này đã
khiến Thái Lan vẫn là nước đang phát triển” – anh nói.
Thái Lan hiện có tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông cao thứ 2 thế giới, với 44 người chết/100.000 dân, theo số liệu thống kê do Tổ chức Y tế Thế giới công bố hồi năm 2014. Nhiều tài xế đã gắn đủ loại bùa lên xe họ để được an toàn khi ra đường. Tuy nhiên ngoài lá bùa, họ vẫn phóng nhanh vượt ẩu và còn lái xe khi say xỉn. Người đi xe máy cũng đeo đầy bùa trên người, nhưng thường kẹp đôi, kẹp ba khi phóng trên đường và chẳng mấy khi dùng mũ bảo hiểm.
Chiến dịch của “F**kGhosts” dường như đã có tác động nhất định. Tháng 1 năm nay, nhà chức trách đã dọn dẹp hàng trăm bức tượng để tại điểm đen tai nạn có tên “Kong Roi Sop”, khúc cua đã chứng kiến hơn 100 người chết. Nhưng người ta cũng chỉ thu dọn tượng sau khi một nhà sư làm lễ đuổi hồn ma đi. “Đầu tiên công nhân cũng lo lắm” – Supit Kraimak, lãnh đạo cơ quan vệ sinh địa phương cho biết – “Nhưng sau khi nhà sư làm lễ xong, họ đã cảm thấy thoải mái hơn”.
Những người làm nghề trừ tà, bói toán,
tiên tri ở Thái Lan hiển nhiên đã hưởng lợi từ niềm tin mê tín này. Nếu sẵn tiền, người ta có thể mời thầy trục quỷ, mua bùa phép bảo vệ. Các cuốn sách và phim về hồn ma rất
ăn khách ở Thái Lan. Các doanh nghiệp ở đây thường mời các nhà sư ghé thăm thường xuyên để đuổi ma quỷ.
Người Thái tin rằng một cái chết đột ngột, hoặc kinh khủng thường dễ dẫn tới oan hồn. Ít oan hồn nào nổi tiếng bằng “Nak”, một người
phụ nữ Thái sống trong thế kỷ 19, đã chết trong lúc sinh con, khi chồng đang bận chiến đấu ngoài mặt trận.
Có nhiều phiên bản về câu chuyện, nhưng tựu chung đều kể lại việc khi về nhà, người chồng thấy vợ anh như vẫn còn sống. Dù đã thành hồn ma, Nak vẫn rất yêu thương chồng. Nhưng cô đã trở nên giận dữ, độc ác, khi người chồng phát hiện cô không còn sống và bỏ chạy. Tại một đền thờ Nak ở Bangkok, nhiều người thường tìm đến đây để cầu may mắn, sức khỏe và thậm chí là được miễn nghĩa vụ quân sự. Người ta tin rằng việc cúng tế cho Nak sẽ khiến họ được tưởng thưởng. “Tôi tin cô ấy có tồn tại, cũng như các hồn ma vậy” – bà mẹ trẻ Netnaran Janvanu chia sẻ với AFP, trước khi nói thêm – “Nhiều bạn của tôi cũng tin là có hồn ma đấy”.
Tường Linh (Theo AFP)
Thể thao & Văn hóa
Links topic : https://dulichpacifictravelvn.blogspot.com/2016/09/nhung-con-nguoi-thach-thuc-hon-ma-thai-lan-o-le-hoi-truc-quy.html
Bài viết liên quan khác